Là người Huế, chắc ai cũng từng một lần thưởng thức món vả trộn. Được chế biến từ nguyên liệu rất quen thuộc của vùng đất cố đô, vả trộn mang hương vị dân dã nhưng vô cùng thơm ngon khiến bao người nhớ mãi. Tuy nhiên, món ăn này sẽ khá xa lạ đối với du khách khi đến Huế. Ở bài viết hôm nay, cùng Nhà Hàng Cồn Tộc tìm hiểu hơn về món ăn mang đậm hương vị xứ Huế này nhé!
1. Trái vả – Nguyên liệu quen thuộc vùng cố đô
Vả là giống cây thuộc họ sung, và có lẽ người Huế cũng trồng nó theo thói quen nhiều hơn là vì hiệu quả, bởi cây vả to như lá sen với tán rộng, thân chiếm cả chục mét vuông đất vườn mà giá trị kinh tế thấp. Dù thế nhưng từ đồng bằng, trung du đến miền núi Huế du khách đều có thể bắt gặp bóng dáng cây vả ở đâu đó.
Trái vả và trái sung rất giống nhau về hình dáng, có vỏ xanh, thịt trắng, lòng hồng nhưng trái vả có phần to hơn. Cả sung lẫn vả đều ăn được nhưng vị sung hơi chát, còn vị vả thì béo, bùi và thơm ngon hơn.
Từ trái vả, các bà nội trợ cố đô Huế chế biến rất nhiều món ăn như: một món rau sống, thêm vào trong các món kho, thêm vào trong các món hầm, ngâm chua,… và đặc biệt nhất vẫn là món vả trộn tôm thịt. Món ngon gây thương nhớ cho người con Huế khi xa quê luôn muốn quay về để được tận hưởng món ăn mẹ nấu với vị chan chát mà đậm đà của trái vả sau vườn nhà.
2. Vả trộn – Hương vị gây thương nhớ
Trước đây, vả trộn được bày trên mâm cỗ ngày lễ, Tết. Thế nhưng bây giờ, du khách đến Huế có thể dễ dàng tìm thấy món này trong các nhà hàng sang trọng hay các quán nhậu bình dân.
Thực tế, món đặc sản Huế này có cách chế biến khá đơn giản. Ngoài vả, người Huế thường cho thêm tôm, thịt, hành lá, rau răm và một ít mè, đậu phộng. Tất cả các nguyên liệu được trộn đều với nhau, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi bày lên đĩa.
Để thưởng thức món vả trộn “chuẩn Huế”, người ta thường xúc ăn cùng bánh tráng nướng giòn tan thay vì dùng muỗng như bình thường. Hương vị vả trộn chát chát, bùi bùi cùng vị ngọt của tôm thịt, lạc rang khiến ai lần đầu thưởng thức cũng phải bất ngờ và nhớ mãi không quên.
3. Hướng dẫn chế biến món vả trộn xứ Huế
Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị một nồi nước đun thật sôi, sau đó thả vả xanh nguyên trái vào luộc kỹ đến khi mềm, bạn có thể xác nhận lại bằng cách dùng tay miết vỏ xanh bên ngoài nếu vỏ dễ trượt đi là được. Tiếp theo bạn cho vả mới luộc vào nước lạnh để nguội và gọt vỏ, dùng dao cắt lát theo chiều từ cuống đến núm tạo thành những lát mỏng hình chữ C. Sau đó vắt mạnh vả cho kiệt nước.
Các nguyên liệu khác cũng phải sơ chế qua là luộc tôm bóc vỏ, chần sơ thịt nạc rồi thái miếng mỏng ra đĩa, chuẩn bị hành băm, hành lá, rau răm cắt khúc, mè rang giã nhỏ, đậu phộng nguyên hạt hoặc giã dập, bánh tráng mè ăn kèm…
Bước tiếp theo, bạn bắc chảo lên bếp, phi hành cho thơm rồi cho thịt, tôm vào xào. Đến khi thịt chín tới bạn hãy thêm gia vị đường, muối vào và nêm sao cho thật vừa ăn. Sau đó, bạn cho vả vào đảo đều tay khoảng 3’ nữa thì thả hành lá, rau răm thái nhỏ, vừng và lạc rang vào trộn đều, tắt bếp. Cuối cùng, bạn chỉ cần bày ra dĩa là đã có thể thưởng thức rồi.
4. Những địa điểm thưởng thức món vả trộn ngon tại Huế
Vả trộn là một món đặc sản Huế nên bán ở khắp mọi nơi, từ nhà hàng sang trọng cho đến những phiên chợ vùng quê. Nó phổ biến đến mức du khách gần như bất kỳ nhà hàng nào bạn cũng có thể gọi món được.
Tuy nhiên, để hưởng trọn hết hương vị dân dã, bình dị của món ăn thì hãy đến các khu ẩm thực trong các chợ. Vả trộn tại đây được thực hiện bởi các bà các mẹ có kinh nghiệm lâu năm chế biến. Vì vậy hương vị của món ăn mới trở nên đậm đà. Ăn miếng nào thấm miếng ấy, rất tuyệt vời.
Mọi người có thể ghé các khu ẩm thực tại chợ Đông Ba, Tây Lộc, Bến Ngự, An Cựu… Chỉ cần hỏi người dân món ăn này ở đâu thì sẽ có người dẫn bạn đến tận nơi để mua đấy. Đừng ngần ngại bởi vì người dân Huế rất mến khách và nhiệt tình.
Là món ăn mang đậm hương vị xứ Huế, vả trộn đã gây thương nhớ cho bao du khách chỉ với một lần thưởng thức. Hi vọng với những thông tin Nhà Hàng Cồn Tộc vừa chia sẻ, nếu có dịp ghế đến xứ Huế, bạn sẽ không bỏ qua món ăn dân dã, mà đậm đà của vùng đất cố đô.