Là sự giao thoa kiến trúc giữa Á và Âu vô cùng độc đáo, cung An Định được xây dựng như một tòa lâu đài châu Âu tráng lệ cổ kính, với các họa tiết hoa văn trang trí truyền thống cung đình. Đây là một công trình kiến trúc khác biệt hoàn toàn giữa hàng trăm di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế hiện nay. Bài viết dưới đây Nhà hàng Cồn Tộc sẽ gửi đến bạn một vài thông tin về cung An Định, hy vọng nó sẽ hữu ích cho chuyến du lịch Huế sắp tới của bạn.
1. Lịch sử hình hành cung An Định:
Cung An Định là nơi lưu giữ nhiều lịch sử của 2 đời vua là Vua Khải Định (1916 – 1925) và Vua Bảo Đại (1926 – 1945).
Cung An Định – một công trình bằng gỗ nằm bên cạnh dòng sông An Cựu, tiền thân còn có tên gọi khác là phủ Phụng Hóa. Cung An Định được vua Đồng Khánh xây dựng cho con trai trưởng của mình – vua Khải Định, để làm cung điện riêng sinh sống từ khi vua Khải Định còn làm Thái tử đến khi trở thành hoàng đế.
Sau ngày đăng quang, vua Khải Định đã sử dụng tiền riêng của mình bắt đầu cải tạo lại phủ Phụng Hóa theo lối hiện đại, biến phủ gỗ ban đầu trở thành một tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ nhất Việt Nam thời bấy giờ, đổi tên là An Định cung.
Cung An Định vào khoảng năm 1930
Tiếp nối truyền thống từ đời trước, vua Khải Định trao lại cung An Định của mình cho hoàng tử Vĩnh Thụy – vua Bảo Đại sau này. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945, vua Bảo Đại thoái vị, cùng gia quyến của mình là hoàng hậu Nam Phương, đức Từ Cung thái hậu và các hoàng tử công chúa, đã dọn từ Hoàng cung Huế qua An Định cung này sinh sống.
2. Cung An Định nằm ở đâu:
Nằm cách trung tâm thành phố Huế 2km, ngay cạnh dòng sông An Cựu, cung An Định tọa lạc tại số 97 Phan Đình Phùng, phường Phú Nhuận, thành phố Huế.
Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, cung An Định là đại diện tiêu biểu cho trường phái kiến trúc tân – cổ điển ở Việt Nam đầu thế kỷ 20. Toàn bộ công trình được xây dựng với diện tích hơn 23.000m2, quay mặt hướng nam phía bờ sông An Cựu. Thuở ban đầu khi còn nguyên vẹn, cung có khoảng 10 công trình lớn nhỏ gồm: bến thuyền, cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú, hồ nước…
Trải qua hơn 100 năm và sự tàn phá của chiến tranh, đến nay cung An Định vẫn giữ được nét đẹp cổ kính nhưng chỉ còn lại 3 công trình còn khá nguyên vẹn gồm: cổng chính, đình Trung Lập và Lầu Khải Tường.
3. Hướng dẫn di chuyển đến cung An Định
Vì nằm ở trung tâm thành phố Huế, nên bạn có thể di chuyển đến cung An Định bằng xe máy hoặc thuê taxi.
Xuất phát từ cầu Tràng Tiền, bạn chạy thẳng vào đường Hùng Hương, tới ngã tư thì rẽ phải vào đường Phan Đình Phùng đi thêm một đoạn ngắn bạn sẽ thấy biển cung An Định. Bạn có thể tìm chỗ gửi xe bên ngoài hoặc vào khu vực để xe của cung, sau đó thoải mái tham quan, chỉ mất chừng 5 – 10 di chuyển thôi.
4.Tìm hiểu về kiến trúc của cung An Định:
-
Cổng chính cung An Định:
Nhìn từ đường Phan Đình Phùng vào, bạn sẽ thấy cổng chính cung An Định được xây dựng theo lối tam quan bằng gạch, gồm hai tầng, trang trí bằng sành sứ được đắp nổi công phu. Các họa tiết trên cổng là những hình ảnh rất quen thuộc trong văn hóa phương Đông như: rồng, phượng, hổ,… Vòm cổng đắp nổi ba chữ “An Định cung”, trên đỉnh mái tầng còn gắn một viên trân châu lớn.
-
Đình Trung Lập:
Bước qua cổng chính bạn sẽ nhìn thấy đình Trung Lập, đình có tác dụng như một “bình phong” – một nét kiến trúc rất quen thuộc ở triều Nguyễn kéo dài đến tận ngày nay, thường thấy ở các lăng tẩm, phủ đệ hay nhà rường Huế.
Đình Trung Lập – bức bình phong của cung An Định
Đình Trung Lập có hình bát giác, mái dạng cổ lầu với hai lớp. Lớp mái dưới có tám cạnh, lớp trên bốn cạnh. Mái đình Trung Lập mang nghệ thuật tạo hình rất ấn tượng, đắp nổi 12 con rồng với ngụ ý bay đi “bốn phương tám hướng”. Trong đình có đặt bức tượng đồng châm dung vua Khải Định, tỷ lệ bằng người thật, được đúc từ năm 1920.
-
Lầu Khải Tường:
Lầu Khải Tường – điểm nhấn nổi bật của Cung An Định
Điểm nhấn của cung An Định chính là tòa lâu đài được ví như tòa lâu đài châu Âu, mang tên lầu Khải Tường. Lầu nằm ngay phía sau bức “bình phong” đình Trung Lập, là công trình kiến trúc chính của cung. Tên “Khải Tường” được chính vua Khải Định đặt với ý nghĩa là nơi khởi phát điềm lành.
Lầu Khải Tường có ba tầng được xây dựng bằng các vật liệu mới theo kiểu lâu đài châu Âu, trên nền diện tích 745m2. Mặt trước được trang trí cầu kỳ, công phu các họa tiết phong cách Roman cận đại đan xen các họa tiết cung đình phương Đông truyền thống .
Lầu có tổng cộng 22 phòng lớn nhỏ. Trong đó, tầng 1 có bảy phòng trang trí rất lộng lẫy, nổi bật nhất là đại sảnh. Tầng 2 gồm tám phòng là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi. Tầng 3 có bảy phòng là nơi ở cũ của đức Từ Cung thái hậu và nơi thờ tự.
Đại sảnh cung An Định nơi treo 6 bức tranh tường với hình vẽ lăng tẩm của các vị vua nhà Nguyễn
Đặc sắc nhất của lầu Khải Tường chính là đại sảnh, nơi nổi bật với sáu bức tranh tường trang trí, vẽ rất sinh động và chính xác sáu lăng tẩm các vị vua nhà Nguyễn: từ lăng vị vua đầu tiên Gia Long, lần lượt theo mốc thời gian là các lăng vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, vua Tự Đức, vua Đồng Khánh và chính lăng vua Khải Định. Riêng bức tranh vua Khải Định là vẽ không giống thực tế ngày nay do khi vẽ vua Khải Định vẫn còn sống, lăng tẩm của ông mới chỉ trên bản phác thảo.
Tượng của Bảo Đại được đặt ở chính giữa đại sảnh
Giữa đại sảnh là tượng đồng của hoàng tử Vĩnh Thụy, chính là vua Bảo Đại sau này, vị vua cuối cùng trong lịch sử Việt Nam ta.
Phía sau lầu Khải Tường đã từng là một công trình rất đặc biệt: nhà hát Cửu Tư Đài, đây là nơi diễn tuồng, cải lương cho hoàng gia dưới thời vua Bảo Đại. Kiến trúc của nhà hát này mang phong cách kiến trúc Nhà hát Lớn Hà Nội nhưng nội thất lại giống lăng Khải Định với cách trang trí đắp nổi bằng nghệ thuật ghép sành sứ. Đáng tiếc, Nhà hát đã bị phá hủy năm 1947, chỉ còn lại nền móng là bãi cỏ lớn phía sau lầu Khải Tường như ngày nay.
Cung An Định Huế là dấu ấn lịch sử mang nét kiến trúc kết hợp Á – Âu vô cùng độc đáo và thu hút du khách. Đây sẽ là điểm tham quan mà bạn không nên bỏ qua trong hành trình khám phá Huế!