Có lẽ chỉ đến Huế bạn mới có cơ hội nếm thử qua hương vị của món bánh đúc mật lá bồng (thường gọi là bánh đúc xanh). Món bánh này chỉ được bán vào những dịp cuối năm cũ, đầu năm mới và nhà nào cũng cố mua cho bằng được để ăn khi tiết trời vào xuân. Hiện nay, số người bán món ăn này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, chính vì thế mà giá của nó hơi nhỉnh hơn một xíu. Một gói bánh gồm 8 lát có giá 30.000 nghìn đồng, nhưng vì ngon và hấp dẫn nên rất được khách đến mua ầm ầm. Hôm nay, hãy theo chân Nhà hàng Cồn Tộc ghé thăm gánh bánh đúc mật lá bồng còn sót lại duy nhất ở Huế, để tìm hiểu rõ hơn về món bánh lạ mà quen này nhé.
1. Bánh đúc mật là gì:
Khi vừa mới nghe tên Bánh đúc mật chắc hẳn bạn sẽ có thể hình dung loại bánh này được làm từ bột và có hương vị ngọt. Món bánh tuy đơn giản thế nhưng chỉ được bày bán vào dịp mùa Xuân mà thôi. Bởi vì để tạo ra màu xanh lá cây cho món bánh, người làm bánh thường dùng lá non của cây bồng bồng – một loại cây chỉ ra nhiều lá non vào dịp mùa xuân. Vì thế mà từ xưa đến nay, người Huế chỉ làm món bánh này vào mỗi độ Tết đến xuân về, khác với những loại bánh còn lại.
Bánh đúc mật – món ngon dịp Tết đến xuân về/ Ảnh: Journeys in Hue
2. Công đoạn làm bánh đúc mật:
Để làm ra được một mẻ bánh đúc mật phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Gạo phải chà với nước cho thật sạch để khi đổ bánh không bị chua. Tiếp đó, ngâm gạo với nước tro để bánh được giòn ngon một cách tự nhiên. Sau đó, đem gạo xay lẫn với nước cho ra bột nước. Bột được xay đi xay lại cho đến khi thật nhuyễn mịn và lược qua rây cho sạch tạp chất.
Ảnh: Journeys in Hue
Đến công đoạn tạo màu cho bánh, tiếp tục rửa sạch và xay lấy nước cốt lá cây bồng bồng, đem trộn với bột gạo rồi đem lên bếp dáo bột. Khi bột đạt đến độ đặc sệt, đổ bột ra trên cái khay có lót lá chuối rồi dùng đôi đũa nấu bếp loại lớn gạt cho mặt bột phẳng lì. Cuối cùng đem vào hấp đến lúc chín thì mang ra để nguội.
Ảnh: Journeys in Hue
Mật mía dùng để chấm bánh cũng được nấu chín, sau đó vắt chanh vào để tạo độ ngọt thanh, rất đặc biệt.
Ảnh: Journeys in Hue
Bánh màu xanh được cắt từng miếng vừa ăn rất khéo, được gói lại trong miếng lá chuối tươi và kèm thêm hộp mật vàng bên cạnh, trông vừa quê cảnh, giản dị mà thanh sạch đến vô cùng. Để thưởng thức đúng điệu món ăn này, khi chấm mật người ta không dùng thìa hoặc đũa như khi ăn một số loại bánh khác mà dùng dao tre để quết mật lên bánh để ăn, rất kiểu cách Cố đô. Đây cũng là một trong những thức quà của tuổi thơ biết bao thế hệ người dân xứ Huế. Có thể ví, nếu như người dân Hà Nội tự hào với Cốm, thì Bánh đúc mật đầu xuân cũng là một nét ẩm thực không trộn lẫn của vùng đất kinh kỳ xứ Huế.
Ảnh: Journeys in Hue
3. Ghé thăm gánh bánh đúc mật còn xót lại duy nhất ở Huế:
Nếu có dịp đến Huế và muốn tìm kiếm và thưởng thức món bánh đúc mật này thì có thể ghé thăm gánh hàng của mệ Trần Thị Gái. Vì mệ bán hàng rong nên đôi khi tìm thấy mệ là điều không dễ dàng. Theo kinh nghiệm của một vài thực khách quen thuộc chia sẻ, thì cứ lần ngược theo lộ trình mệ đi bán thì may ra có thể gặp được.
Khoảng 7h sáng, mệ bắt đầu đi từ nhà ở làng Lang Xá Cồn dọc lên đường Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh rồi qua Bà Triệu. Nếu bánh hết dọc đường thì mệ về sớm, còn nếu chưa hết thì bà sẽ nán lại cổng chùa Xuân Phú ở số 189 Bà Triệu đến giữa trưa. Người dân ở khu vực này đã quen với hình ảnh một bà cụ dáng mảnh mai, mang bộ đồ bà ba lụa, đội nón lá và trên vai gầy là đôi quang gánh nhún nhảy nhịp nhàng theo từng bước đi.
Ảnh: Journeys in Hue
Khi có khách mua, mệ Gái sẽ dừng lại và bày gánh nhỏ của mình ngay trên vỉa hè. Đôi gánh một bên đựng mẹt bánh đúc và lá chuối, còn bên kia đựng mẹt xếp nồi mật đường, dao tre, đĩa sứ, và cau trầu để mệ nhai cho vui miệng. Cả hai cái chiếc mẹt đều gác trên một cái thúng cạn đựng vài thứ lặt vặt như ghế nhựa cho khách ngồi. Khi mệ đưa tay gom mớ lá chuối xanh bên trên thì hiện ra lớp bánh đúc xanh mịn. Mệ lấy con dao nhỏ rạch từng thớ hẹp và dài rồi cắt nhỏ thành miếng bánh hình thoi to, bằng ngón tay cái. Mỗi phần bánh 20.000 đồng được gói vào một miếng lá chuối kèm một hộp mật đường nấu với nước cốt chanh dẻo.
Ảnh: Journeys in Hue
Những ai có thời gian và muốn ngồi xuống vừa nói chuyện vừa nhâm nhi bánh tại chỗ thì mệ sẽ xếp từng lát bánh lên đĩa sứ rồi rưới mật và không quên gác thêm cái dao bằng tre do mệ tự làm. Dao tre vừa dùng để cắt nhỏ miếng bánh vừa dùng để xiên bánh ăn.
Ảnh: Journeys in Hue
Bán xong, mệ thu dọn đồ gọn gàng rồi lại gồng gánh đi dọc các con đường. Mệ không cần rao vậy mà người ta vẫn biết để gọi, bởi các khách ruột cần thoáng thấy dáng bà từ xa là đã nhận ra. Có những người bịt khẩu trang kín mít nhưng mệ Gái cũng nhớ. Hai bên gặp nhau tíu tít cười nói như bạn bè lâu ngày gặp lại.
Loại bánh đúc xanh này chỉ tròn vị khi ăn với mật. Cách đây mười mấy năm, mệ Gái làm mật từ thứ mật mía mua ở làng Văn Xá cách trung tâm TP Huế chừng 12 km về phía bắc. Mật được nấu lên và thêm một ít nước cốt chanh cho thơm. Giờ đây, Văn Xá không còn sản xuất mật mía nên mệ dùng đường cát trắng để nấu mật. Mệ nói “Thứ mật đường này cũng khó tính lắm: trời lạnh thì đông đặc khó múc nên chỉ đi bán vào những ngày trời ấm nóng”.
Hồi mới 11 tuổi, mệ Gái đã theo mẹ đi bán bánh đúc mật vào dịp Tết. Sau khi mẹ qua đời, mệ theo mấy mệ, mấy o. Mệ không chỉ kiên trì mà còn yêu lao động. Đã bước qua tuổi 80 nhưng mệ vẫn muốn buôn bán dù con cháu sẵn sàng nuôi mình.
Nếu như có dịp ghé Huế, hay ở Huế đã lâu mà chưa từng thử qua món bánh này, thì bạn đã có điều nên làm ở Huế rồi đấy. Một món ăn truyền thống, lâu đời, ít người làm và chỉ bán có một khung giờ nhất định, ăn xong lại còn lấy lộc nữa thì bạn nhất định phải thử một lần đấy nhé.