Sở hữu nguồn tài nguyên hải sản dồi dào, Huế nổi tiếng với những hải sản của vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Chính vì vậy nơi đây có những món mắm vô cùng ngon, trong đó phải kể đến đặc sản mắm sò Lăng Cô trứ danh. Với hương vị thơm ngon, mặn mòi rất đặc trưng. Mắm sò có thể khiến cho những người kén ăn, và những người chưa bao giờ ăn thích thú ngay từ lần đầu thưởng thức. Vậy loại mắm này được làm từ gì, quy trình tạo ra thế nào, cùng Nhà Hàng Cồn Tộc tìm hiểu nhé!
1. Mắm sò Lăng Cô – Đặc sản không thể chối từ
Vùng biển Lăng Cô vốn nổi tiếng với nhiều hải sản tươi sống như tôm, cua, sò lông, sò huyết, vẹm, hàu,…Trong số đó, sò là loại rất được ưa chuộng, người dân ở đây ít ăn sống mà chủ yếu đem làm mắm, gọi là mắm sò.
Mắm sò là loại mắm làm từ con sò lông, hay người địa phương vẫn thường gọi là con sặc, loại hải sản này hầu như có mặt quanh năm. Chỉ trừ những thời điểm mưa gió vào tháng 9, tháng 10 khi mà nước dâng cao không thể đi bắt được, còn lại người dân đi cào quanh năm. Đến mùa cào sò, chỉ cần một cái bàn cào nhỏ, thêm một cái lồng là có thể ra biển để cào.
Công đoạn cào sò cũng không hề đơn giản, cần phải thực sự kiên nhẫn ngâm mình hàng giờ dưới nước mới đủ sò để làm mắm. Không giống với mắm cá, mắm tôm, mắm sò Lăng Cô lại có hương vị rất đặc biệt, cũng chính từ nguyên liệu khác biệt là sò, được đưa vào công thức làm mắm sò lâu đời của người Lăng Cô, tạo nên vị thơm thơm ngon.
2. Quy trình làm mắm sò Lăng Cô ngon nức tiếng
Cách làm mắm sò thực tế khá đơn giản. Sò được cào về lấy mũi dao nhọn cậy vỏ và lấy sò ở bên trong, sau đó rửa thật sạch cát. Tuy nhiên có một lưu ý đó là không được ngâm nước quá lâu nếu không sò sẽ nở to và nếu làm mắm sẽ mau bị hỏng. Sau khi rửa sạch sò thì chúng ta vớt ra rổ, để khô nước chừng 50 phút, tiếp đó đổ sò và thau sạch, bỏ muối sống được giã mịn với tỷ lệ 10 chén sò : 2 chén muối.
Cái khéo của người làm mắm là phải cân đong lượng muối phù hợp, sao cho đừng quá mặn mà cũng đừng quá nhạt. Trộn thật đều sò, muối, ớt, riềng rồi bỏ vào chai hoặc thẩu nhựa đậy thật kín. Mắm sau khi đưa vào ủ khoảng 8 – 10 ngày là có thể ăn được. Cũng giống nhiều loại mắm khác, mắm sò để càng lâu ăn càng ngon.
Cách nhận biết mắm sò đã chín: Quan sát nếu thấy sò đã bắt đầu nổi lên trên bề mặt, còn phía dưới là nước, có màu giống như nước mắm có nghĩa là mắm đã chín, có thể ăn được.
3. Thưởng thức mắm sò Lăng Cô đúng điệu
Mắm sò muốn ngon, bạn nên giã một ít tỏi ớt để trộn vào mắm, như vậy sẽ làm tăng độ hấp dẫn cũng như hương vị của mắm. Tùy theo khẩu vị, chúng ta có thể nêm nêm thêm một ít đường, bọt ngọt. Tuy nhiên cũng nhớ là vừa phải, vì nếu nhiều quá thì sẽ khó cảm nhận vị ngon nguyên chất của mắm sò.
Mắm sò Lăng Cô rất thơm ngon, ngoài ăn với cơm nóng, người ta còn dùng mắm sò như một loại nước chấm. Nếu muốn cảm nhận hết vị ngon của mắm sò thì bạn nên thưởng thức mắm kèm với rau sống, dưa giá, khế chua kẹp thịt ba chỉ, đảm bảo ngon ngất ngây.
4. Nên mua mắm sò ở đâu?
Nếu đến Lăng Cô du lịch bạn có ghé mua mắm sò ở mệ Cặn, nằm ngay ngã ba trục đường vào chợ Lăng Cô. Như được biết thì gia đình mệ đã có truyền thống làm mắm sò gần 20 năm nay nên đảm bảo mắm rất ngon mà giá lại rẻ chỉ khoảng 120.000 VNĐ/chai.
Tuy nhiên đó là nếu chúng ta đi du lịch tại Lăng Cô, còn nếu chúng ta chỉ đến thành phố Huế du lịch thì mua loại đặc sản này ở đâu? Bạn có thể đến chợ Đông Ba để tìm mua. Mắm sò ở đây được lấy từ cơ sở sản xuất ở Lăng Cô do vậy bạn có thể yên tâm về chất lượng cũng như giá thành.
Với hương vị thơm ngon, cuốn hút, mắm sò Lăng Cô đã chinh phục bao thực khách ngay từ lần thử đầu tiên. Nếu có dịp ghé đến xứ Huế bạn đừng quên thưởng thức món đặc sản mắm sò Lăng Cô trứ danh cũng như mua về làm quà cho những người thân yêu nhé!