Lan Viên Cổ Tích – Bảo tàng Gốm cổ bên dòng sông Hương

Lan Viên Cổ Tích – Bảo tàng gốm cổ sông Hương do GS.TS Thái Kim Lan thành lập và làm chủ. Nơi đây lưu giữ nhiều hiện vật gốm như lu, hũ, bình, chén,… Du khách khi đến đây tham quan sẽ phần nào hiểu được đời sống của người dân bản địa sống trong hàng nghìn năm lịch sử. Hãy theo chân Nhà hàng Cồn Tộc khám phá bảo tàng gốm cổ đầy độc đáo này nhé.

1. Đôi nét về Lan Viên Cổ Tích:

Lan Viên Cổ Tích là tên gọi của Nhà vườn Từ đường Thái Tộc và Bảo tàng Gốm cổ sông Hương do GS. TS Thái Kim Lan thành lập và làm chủ.

Lan Viên Cổ Tích – nơi lưu giữ hơn 5000 hiện vật gốm cổ tại Huế (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)
Lan Viên Cổ Tích – nơi lưu giữ hơn 5000 hiện vật gốm cổ tại Huế (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)

Nơi đây được cấp phép hoạt động từ ngày 09/12/2021 Quyết định số 3217/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 17/4/2022, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương chính thức mở cửa đón khách tham quan tại số 120 Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, thành phố Huế. Đây là bảo tàng ngoài công lập thứ 3 ở tỉnh Thừa Thiên Huế, sau Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (thành lập năm 2012) và Bảo tàng Thêu XQ (thành lập năm 2016).

Bảo tàng Gốm cổ sông Hương là nơi duy nhất lưu giữ những hiện vật được tìm thấy từ các dòng sông
Bảo tàng Gốm cổ sông Hương là nơi duy nhất lưu giữ những hiện vật được tìm thấy từ các dòng sông

Tại Bảo tàng Gốm cổ sông Hương sẽ trưng bày và giới thiệu 4 bộ sưu tập quý:

– Bộ sưu tập gốm sông Hương (hơn 2500 hiện vật)

– Bộ sưu tập áo dài triều Nguyễn

– Bộ sưu tập đồ đồng

– Bộ sưu tập đồ gỗ

2. Nét đặc trưng của Bảo tàng Gốm cổ sông Hương

Tiền thân của Bảo tàng Gốm cổ sông Hương là không gian trưng bày gốm cổ do GS.TS Thái Kim Lan và anh trai là cố họa sĩ Thái Nguyên Bá, dày công sưu tầm cất giữ gần 40 năm. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ những cổ vật của cố nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan. Hiện tại, bảo tàng đang lưu giữ hơn 5000 hiện vật. Phần lớn là gốm cổ được vớt dưới lòng sông Hương có nhiều niên đại, từ gốm Chàm, gốm Sa Huỳnh, Tiền sử, Sơ sử, Lê Sơ,… và cả những hiện vật gốm từng được sản xuất tại Phước Tích và Mỹ Xuyên.

Trong dịp ra mắt vào 17/4/2022, bảo tàng đã giới thiệu, trưng bày chuyên đề “Sông Hương – nơi gặp gỡ của các nền văn hóa”, với hơn 100 hiện vật thuộc 3 thời kì: Sa Huỳnh (cách ngày nay 3.000 – 2.500 năm), Champa (thiên niên kỷ 1 đầu Công nguyên), Lý – Trần đến thời Nguyễn (thế kỷ 19 – 20).

Các hiện vật được trưng bày nhiều nhất tại Bảo tàng là các vật dụng trong đời sống hàng ngày như lu, hũ, bình,… được làm từ nhiều chất liệu khác nhau: đất nùng, sành, gốm men,… Niên đại của các hiện vật trong bảo tàng Gốm cổ sông Hương kéo dài từ thế kỷ 5 trước Công nguyên đến thế kỷ 20. Trong đó các hiện vật gốm, sành thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17 – 18) chiếm số lượng nhiều nhất, đây là sản phẩm của các làng nghề gốm cổ truyền Phước Tích và Mỹ Xuyên.

Các hiện vật được trưng bày nhiều nhất tại đây là các vật dụng trong đời sống hàng ngày

Những hiện vật này từng gắn bó mật thiết và phản ánh cụ thể về đời sống sinh hoạt của người dân qua các thời kỳ lịch sử; phản ánh quá trình giao lưu trao đổi giữa các vùng miền của Việt Nam và cả quá trình giao lưu quốc tế của người dân Huế với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

3. Giá vé và cách di chuyển đến Bảo tàng Gốm cổ sông Hương:

  • Giá vé:

– Giá vé: 120.000 đồng/khách

– Người dân Huế và học sinh sinh viên: 60.000 đồng/khách

– Miễn phí cho trẻ em dưới 10 tuổi

  • Giờ mở cửa:

– 8h00 – 17h00 ngày thứ 7 và chủ nhật

– Đối với các đoàn khách từ 5 – 20 người, vui lòng đặt trước lịch khi tham quan qua gmail: gomcosonghuong@gmail.com

  • Cách di chuyển đến Bảo tàng Gốm cổ sông Hương:

Với vị trí nằm cạnh sông Hương và chùa Thiên Mụ, nên cung đường di chuyển đến Bảo tàng Gốm cổ sông Hương cũng khá đơn giản. Bạn có thể search Google Map địa chỉ của bảo tàng rồi di chuyển theo hoặc có thể di chuyển theo cung đường dưới đây: từ trung tâm thành phố bạn di chuyển qua hướng cầu Trường Tiền, rồi sau đó rẽ trái vào đường Trần Hưng Đạo. Bạn tiếp tục chạy thẳng theo hướng lên Kim Long. Chạy thêm tầm một đoạn, bạn nhìn bên tay phải sẽ thấy một ngôi nhà vườn cổ đó chính là Lan Viên Cổ Tích.

Bảo tàng Gốm cổ sông Hương đang là điểm đến hấp dẫn du khách và người dân địa phương đến đây tham quan, khám phá và tìm hiểu về vùng đất Cố đô Huế. Đặc biệt, nơi đây còn có rất nhiều hoạt động trải nghiệm mang đậm văn hóa Việt Nam mà bạn có thể tham gia. Vì thế, nếu có dịp ghé thăm Huế đừng quên đến đây chiêm ngưỡng bộ sưu tập hiện vật gốm cổ đầy độc đáo này bạn nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *