Bánh ép Huế – món đặc sản thơm ngon làm say lòng biết bao thực khách

Với nền văn hóa ẩm thực độc đáo, không ngoa khi nói Huế là Kinh đô ẩm thực của cả nước. Nổi bật trong đó phải kể đến món bánh ép Huế – món đặc sản thơm ngon làm say lòng biết bao thực khách. Một chiếc bánh nhỏ xíu nhưng chứa nhiều điều đặc biệt: vị béo ngậy, dai của bánh, chua giòn đu đủ ngâm, mùi thơm của hành lá, thịt, trứng…Đi dọc các con phố, chắc hẳn không quá khó để tìm thấy những biển hiệu “bánh ép”. Vậy món ăn này có gì đặc biệt, hãy cũng Nhà hàng Cồn Tộc tìm hiểu về món ăn độc đáo này nhé!

1. Bánh ép Huế là gì mà khiến nhiều người say mê đến thế

Bánh ép Huế được xem là món ăn tuổi thơ của người dân vùng đất Cố đô. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì quy trình làm bánh khác biệt của nó, để làm ra chiếc bánh ép người thợ sẽ ép bánh bằng khuôn gang trên bếp than đỏ lửa.

Bánh ép Huế được làm từ những nguyên liệu đơn giản như bột lọc, thịt heo, trứng, hành lá… nhưng nhờ cách chế biến sáng tạo của người làm, đã tạo nên chiếc bánh dai dai, béo ngậy được ăn kèm cùng đu đủ sống, dưa leo,… chấm cùng nước nắm chua ngọt. Tất cả đã tạo nên món ăn mang hương vị mới lạ và hấp dẫn.

Bánh ép Huế được chia làm hai loại, đó là bánh ép dẻo và bánh ép khô. Bánh ép dẻo thường được thưởng thức tại chỗ, còn bánh ép khô thường được mua về làm quà. Ở Huế, Thuận An được cho là quê hương của món ăn độc đáo này, đây là nơi sinh ra những chiếc bánh ép đầu tiên.

2. Tìm hiểu cách làm bánh ép truyền thống:

Bánh ép Huế được làm từ những nguyên liệu khá đơn giản như: bột lọc, thịt heo, trứng, hành lá… Trước khi ép, người bán đã viên sẵn bánh thành từng cục bột nhỏ, phía trên điểm thêm một ít thịt lợn rim, ớt và hành lá. Sau khi khách gọi món, cục bột được người bán đặt vào giữa hai tấm gang nóng đỏ rực đã được bôi dầu, đóng lại và dùng hai tay ép khuôn thật chặt trong khoảng 5 – 6 giây. Tiếp đó, họ mở khuôn ra, thêm 1 quả trứng cút sống rồi tiếp tục ép lần 2 trong khoảng vài giây nữa. Trong quá trình ép bánh, người bán sẽ lật tấm gang khoảng 2 – 3 lần để bánh được chín đều.

Những viên bột sống trước khi được ép thành bánh

Nếu khách muốn ăn dẻo, chỉ cần để thời gian nhanh, còn ai muốn ăn thật giòn có thể yêu cầu quán ép lâu hơn một chút. Nghe cách chế biến có vẻ đơn giản nhưng món ăn này cũng cần người có tay nghề mới canh được lửa làm nóng khuôn gang. Đủ thời gian và ép đủ lực bánh mới chín, mới đều. Tên gọi của nó cũng bắt nguồn từ cách chế biến này – ép bột trong tấm gang. Mùi hương thơm phức và tiếng bột xèo xèo vui tai khiến thực khách đang đợi bánh ai cũng thấy thèm thuồng.

Khu vực ép bánh luôn nóng như lò bát quái. Mỗi người thường chịu trách nhiệm ép khoảng 3 - 4 lò mới kịp. Ảnh: Hương Lan. 

Để cho ra đời những chiếc bánh ép thơm ngon, người bán phải luôn túc trực bên cạnh những chiếc “lò bát quái”

Những chiếc bánh nóng hổi khi chín được đặt vào chiếc đĩa nhựa màu xanh. Sau đó, khách tùy ý thêm chút rau răm, đu đủ chua ngọt, dưa leo, cuộn tròn bánh lại rồi chấm vào bát nước mắm chua cay. Bánh nóng, ai ăn cũng phải vừa thổi vừa xuýt xoa. Chiếc bánh nhỏ xíu nhưng chứa đầy đủ hương vị: vị béo ngậy của dầu mỡ, dai của bánh, chua giòn của đu đủ ngâm thêm vào đó là mùi thơm của hành lá, của thịt, trứng… Tất cả hòa lẫn tạo một hương vị rất riêng của bánh ép. Món ăn “gây nghiện” đến mức khách chưa ăn hết cái này đã phải gọi cái khác, rồi họ xếp chồng những chiếc đĩa xanh lên thật cao. Khi thanh toán, chủ quán chỉ việc đếm số đĩa rồi tính tiền. Việc đếm dĩa, so sánh với bạn bè xem ai ăn được nhiều hơn cũng là thú vui của người ăn bánh ép.

Có lẽ yếu tố quyết định món bánh ép ngon hay không là nước chấm và tay nghề của chủ hàng. Có quán dùng nước mắm công nghiệp nguyên chất, pha ớt bột. Nơi thì làm sẵn nước mắm chua ngọt kèm ớt tỏi, nơi lại dùng nước mắm trộn tương ớt hoặc ớt chưng. Chính cái vị cay xè và thơm nồng của ớt trong nước mắm đã kích thích vị giác người ăn.

Thương nhớ món bánh ép Huế, thức quà đặc sản độc đáo của miền cố đô

Nước chấm chính là là yếu tố quyết định hương vị của món bánh ép

3. Những địa chỉ ăn bánh ép Huế cực ngon

Đến Huế, chắc hẳn bạn sẽ tò mò ăn bánh ép ở đâu ngon đúng không nào? Hãy tham khảo những địa chỉ dưới đây nhé!

  • Bánh ép chị Huệ

Địa chỉ: 116 Lê Ngô Cát, TP Huế

Giờ mở cửa: 14h – 21h

Giá tham khảo: khoảng 4.000vnđ/cái

  • Bánh ép Gia Di

Địa chỉ: Số 4 Phùng Chí Kiên

Giờ mở cửa: 13h – 22h

Giá tham khảo: 2.000 – 10.000vnđ/cái

  • Bánh ép Trang

Địa chỉ: số 3 Lê Viết Lượng

Giờ mở cửa: 14h – 21h

Giá tham khảo: 5.000 – 12.000vnđ/cái

Với hương vị thơm ngon, hấp dẫn bánh ép Huế đã trở thành món khiến bao thực khách phải “xiêu lòng”. Nếu có dịp ghé thăm Huế, bạn nhất định đừng bỏ lỡ món bánh ép dân dã nhưng đậm đà hương vị vùng đất cố đô nhé. Hương vị này sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên đấy!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *